Cách Nói Chuyện Với Con – Chấp nhận bản thân là điều tuyệt vời nhất bạn có thể dạy con

Bài viết nằm trong series YOGA GIÚP CHA MẸ AN NHIÊN – CON HẠNH PHÚC (PHẦN 1)

Để mình kể cho bạn nghe một câu chuyện nhé!
 
Câu chuyện 1
“Con đang loay hoay bưng bê một đống sách mà thằng bé rất thích. Bỗng nhiên làm rơi mất một quyển sách. 
Nó tự than trách bản thân: Ôi con hậu đậu quá
Bố: Đó không phải cách con nói khi con làm rơi một vật gì đó
Con: Thế con phải nói thế nào cơ ạ?
Bố: Rơi thì nhặt nó lên thôi”
 
Câu chuyện 2
Cả lớp học Yoga hăng say, làm động tác cái cây, người thì đứng vững, người thì đổ nghiêng ngả. Có câu nói thốt lên ở dưới lớp “Chị siêu thế, em làm gì cũng hỏng”. 
Mình nhẹ nhàng đến nói với bạn ý “cây đổ thì làm lại thôi :)”
 
Bạn có thấy điểm tương đồng của hai câu chuyện trên không? Người con và bạn học viên ấy đang tự dán nhãn cho bản thân mình là “hậu đậu” và “làm việc gì cũng hỏng”. Ô hay, chỉ là một hành động sao lại suy diễn ra hàng km cả một tính cách/nhân cách của con người thế?

chấp nhận bản thân giúp cuộc sống trở nên tuyệt vời

Nếu bạn chấp nhận bản thân mình, bạn có thể khen ngợi hoặc phê phán hành vi của chính mình, chứ không bao giờ tấn công nhân cách của bạn. Khi bạn chấp nhận bản thân mình, nhận thức về giá trị của bản thân bạn không thay đổi. 

 
Daniel Rutley, tác giả của cuốn best-seller “Escaping Emotional Entrapment: “Freedom from negative thinking and unhealthy emotions” đã nói rằng: “Đừng đánh giá chính mình, chỉ đánh giá hành vi của bạn mà thôi
 
Một câu nói, một hành động tưởng chừng như chỉ là lời nói than vãn bâng quơ, nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ sống của bạn trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn có con nhỏ, nó sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận mọi việc của đứa trẻ trong tương lai
 
Vì vậy, bài tập mở đầu cho chuỗi Yoga 30 Ngày Tôi Yêu Bản Thân “Tôi Chấp Nhận”, Hoàng Lan muốn nhắn gửi đến bạn rằng:
 
  • Hãy Chấp nhận bản thân bạn, coi trọng tất cả các phần của con người bạn vô điều kiện. Dù bạn không cúi người được sâu, xoạc chân không rộng, điều đó không quan trọng bằng việc bạn đang ở trên thảm để tri ân cơ thể, giải phóng tâm trí. Hãy tập theo khả năng của chính mình
  • Không phán xét đánh giá chính mình, chỉ nhìn nhận vào tư thế/hành vi mà thôi. Nếu bạn đánh giá chính mình, bạn đang tự giới hạn bản thân. Ví dụ, làm tư thế cái cây bị đổ, đừng đổ tội mình làm gì cũng hỏng, hãy nhìn nhận thẳng thắn cơ thể mình chưa lấy được cân bằng để làm cái cây hoàn chỉnh, mình nên chuyển thành cái cây biến thể (để chân thấp xuống, hoặc dùng tường trợ giúp) để tự tin làm tư thế này. Hoặc đơn giản là đứng dậy làm lại 🙂
  • Không so sánh cơ thể mình với cơ thể người  khác. Hãy luôn nghĩ rằng rằng bạn là chính mình và rằng chẳng có một ai giống như bạn cả. Vì vậy đừng bao giờ nhìn người khác tập để mà cố với theo. Làm với tốc độ và khả năng của mình.
  • Quyết tâm tập động tác khó trong thái độ thoải mái, tự do và thấu hiểu cho cơ thể mình.

dạy con về chấp nhận yêu thương bản thân

Quay lại nói lại về chuyện con cái. Hoàng Lan muốn truyền cảm hứng cho tất cả những bố mẹ đang tập Yoga rằng, động tác trong Yoga không phải là cái quá quan trọng, một khi bạn đã chạm đến cái thần trong Yoga, thì ứng dụng trong cuộc sống của nó là vô cùng to lớn. Mình có thể tự tin nói với bạn rằng, Yoga đã thay đổi con người mình, giúp mình trở thành một bà mẹ tốt hơn 🙂

 
Bàn về chủ đề chấp nhận yêu thương cơ thể mình. Khi mà bé làm bất cứ hành động nào bạn cũng quy chụp là hư, bướng, nghịch ngợm… Thì tức là bạn đang dán nhãn và quy chụp tính cách con người của bé đấy. Những cách nói đó không giải quyết được vấn đề gì cả mà chỉ càng làm con bạn cảm thấy buồn chán và bị bóp nghẹt trong cái dán nhãn ấy. Lời nói có sức tổn thương, khiến bé không nhận ra giá trị của chính mình và ghét bỏ bản thân mình.
 
Hãy thẳng thắn nhận xét về hạnh động của con thay vì nhân cách của con:
  • Nếu bé ăn vãi cơm, thay vì nói “con ăn bẩn thế. Không khéo léo gì cả”, hãy nói “Con ăn cơm còn vãi này, con phải cố gắng hơn nhé”
  • Nếu bạn nói gì con không nghe, thay vì nói “sao con cũng bướng bỉnh thế”, hãy nói “mẹ nói con chưa trả lời ah, con có biết là hành động của con sẽ làm ảnh hưởng đến a b c không?”
…. Tất nhiên để đủ bỉnh tĩnh và tâm an để sáng suốt lựa chọn đúng từ ngữ khi nói với con, nó sẽ liên quan đến BÌNH TĨNH và giúp con nhận ra CẢM XÚC của mình. Mình sẽ nói rõ hơn Yoga giúp mình bình tĩnh sao trong phần 2 và phần 3 của series “YOGA GIÚP CHA MẸ AN NHIÊN CON HẠNH PHÚC NHÉ”
 
Chúc mọi người tập Yoga vui vẻ và bình an 🙂
 
P.S: điều này còn đúng cả với mối quan hệ vợ chồng, cứ dán nhãn chồng “lười”, ổng lười luôn cho hết biết hahaa :)))
 
Hoàng Lan from HolaYoga.vn